Hỏa hoạn xảy ra thì chuông báo cháy chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thông báo đến toàn thể cư dân sinh sống trong khu vực. Nhưng nó hoạt động như thế nào? Vụ cháy tại chung cư cao cấp Carina Plaza vào rạng sáng ngày 23/3/2018 đang khiến nhiều người – […]
Hỏa hoạn xảy ra thì chuông báo cháy chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thông báo đến toàn thể cư dân sinh sống trong khu vực. Nhưng nó hoạt động như thế nào?
Vụ cháy tại chung cư cao cấp Carina Plaza vào rạng sáng ngày 23/3/2018 đang khiến nhiều người – đặc biệt là cư dân tại các chung cư – cảm thấy lo lắng.
Vụ tai nạn đáng tiếc đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 28 người khác bị thương. Nhưng quan trọng hơn, theo như lời kể của những người may mắn thoát nạn, họ không hề nghe thấy chuông báo cháy vang lên, mà chỉ biết đến vụ cháy qua lời hô hoán của hàng xóm xung quanh.
Khả năng vận hành của hệ thống báo cháy tại Carina Plaza sẽ cần phải đợi cơ quan chức năng điều tra. Nhưng vào lúc này, hãy cùng tìm hiểu về cơ chế của một bộ thiết bị báo cháy. Chúng gồm những gì, hoạt động ra sao, và làm thế nào để biết khả năng hoạt động của chúng có tốt hay không?
Hệ thống báo cháy tự động không chỉ là một cái chuông, mà là cả một tập hợp các thiết bị có nhiệm vụ phát hiện và báo động khi có cháy xảy ra. Tín hiệu cháy có thể được phát hiện và ra thông báo tự động, hoặc từ tác động của trực tiếp của con người. Và hệ thống này phải làm việc 24/24.
Về cơ bản, một hệ thống báo cháy tự động sẽ có 3 phần chính: trung tâm báo cháy, thiết bị đầu vào, thiết bị đầu ra. Trong đó, trung tâm báo cháy được thiết kế dạng tủ, bao gồm các thiết bị chính: một bảng điều khiển chính, các module, một biến thế, pin.
Thiết bị đầu vào có thể hiểu là công cụ ghi nhận tín hiệu. Nó bao gồm đầu báo khói, đầu báo nhiệt, báo gas, báo lửa… và công tắc khẩn. Thiết bị đầu ra là các công cụ hiển thị và phát thông báo, gồm chuông báo động, đèn báo động, đèn thoát hiểm, bộ quay số điện thoại tự động…
Tất cả những thiết bị này sẽ được hoạt động theo một cơ chế đơn giản nhưng hiệu quả, đảm bảo tính chính xác cao.
Quy trình hoạt động của hệ thống báo cháy là một quy trình khép kín: Thiết bị đầu vào nhận tín hiệu – truyền tín hiệu đến trung tâm báo cháy – thiết bị đầu ra phát tín hiệu báo động.
Khi có tín hiệu về sự cháy như nhiệt độ gia tăng đột ngột, có sự xuất hiện của khói hoặc các tia lửa điện – các thiết bị đầu vào như đầu báo, công tắc khẩn sẽ nhận tín hiệu và truyền thông tin của sự cố về trung tâm báo cháy.
Tại đây trung tâm sẽ xử lý thông tin nhận được, xác định vị trí nơi xảy ra sự cháy và truyền thông tin đến các thiết bị đầu ra (bảng hiển thị phụ, chuông, còi, đèn). Lúc này, các thiết bị này sẽ phát tín hiệu âm thanh, ánh sáng để mọi người nhận biết khu vực đang xảy ra sự cháy và xử lý kịp thời.
Không phải nhà nào cũng gắn chuông báo cháy. Nhưng một câu chuyện khác còn quan trọng hơn, đó là không phải chuông báo cháy nào cũng hoạt động vì nhiều lý do.
Muốn biết chuông báo động tại nơi mình sinh sống có hoạt động được không, bạn cần phải trả lời được 3 câu hỏi như sau:
– Chuông báo cháy là loại nào?
– Có được lắp đặt đúng chỗ?
– Và nó được lắp đặt từ bao giờ?
Tại sao lại phải hỏi những điều này? Năm 2017, trung tâm phòng cháy chữa cháy ở Orlando (Florida, Mỹ) đã thử đi từng căn nhà để kiểm tra các loại chuông báo cháy, và họ nhận ra rất nhiều vấn đề. Trong đó, chuông có thể không hoạt động vì thiếu pin, chuông lắp đặt sai chỗ không thể nhận khói…
Thậm chí, có những đầu báo khói cũng không hoạt động, dù chuông kêu khi bấm nút khẩn cấp. Sau khi kiểm tra, hóa ra đầu báo đó đã sử dụng được 15 năm.
“Thiết bị báo cháy cần được thay thế 10 năm/lần,” – đội trưởng đội cứu hỏa khi ấy cho biết. “Qua thời gian, bụi bặm sẽ bám vào hệ thống cảm biến, và nó sẽ không nhận thấy khói nữa.”
Ngoài ra, một số nơi sử dụng đầu báo khói chạy pin. Nếu như là pin chất lượng tốt, thời hạn hoạt động của nó có thể lên tới 10 năm.
Nhưng nếu không tốt, tuổi thọ sẽ ngắn hơn và cần thay thế thường xuyên hơn. Và khi không ai để ý đến việc đó, hệ thống có thể không hoạt động là điều hoàn toàn dễ hiểu.